
Khớp cùng đòn được giữ vững bởi ba hệ thống phức hợp dây chằng: dây chằng nón, dây chằng thang và dây chằng cùng đòn (là sự dầy lên của bao khớp trước trên).
Dây chằng nón và dây chằng thang có vị trí bám, hướng bám và chiều dài khác nhau nên chúng có chức năng riêng
Trật khớp cùng đòn là một chấn thương vùng vai thường gặp ở nước ta, xảy ra khi bệnh nhân té ngã đập vai với tư thế cánh tay áp sát thân mình. Tùy theo mức độ di lệch và tổ thương dây chằng, tác giả Rookwood đã chia ra làm 6 độ:
Độ I là dãn dây chằng cùng đòn, dây chằng quạ đòn còn nguyên.
Độ II: đứt dây chằng cùng đòn, dãn dây chằng quạ đòn.
Từ độ III: đứt dây chằng cùng đòn, đứt hoàn toàn dây chằng quạ đòn, độ III với đầu ngoài xương đòn di lệch 25- 100% so với đối bên.
Độ IV là đầu ngoài xương đòn di lệch ra sau vào cơ thang.
Độ V là đầu ngoài xương đòn di lệch hơn 100% so với đối bên.
Độ VI hiếm gặp với đầu ngoài xương đòn di lệch vào mặt dưới mỏm quạ.
Phẫu thuật được chỉ định khi trật từ độ III trở lên,
Nhiều phương pháp phẫu thuật đã được đưa ra để phục hồi lại khớp cùng đòn bị trật như xuyên kim, néo chỉ, nẹp móc… nhưng các phương pháp này không phục hồi được giải phẫu của dây chằng bị đứt và có nhiều nhược điểm riêng như bung dụng cụ, đau kéo dài, mất vững lại… Gần đây các phương pháp tái tạo dây chằng nón và dây chằng thang sử dụng vật liệu nhân tạo như dùng chỉ không tan, TightRope ®, chỉ neo … đều có kết quả ban đầu tốt.
Hiện nay, các tiến bộ trong kỹ thuật nội soi khớp vai tạo thêm sự lựa chọn điều trị cho bệnh lý này. Bằng phương pháp tái tạo phục hồi giải phẫu bằng cách khoan 2 đường hầm ở xương đòn và mỏm quạ sử dụng mãnh gân ghép tự thân, chúng tôi giúp tái tạo gần giống điểm bám tự nhiên của dây chằng. Ưu điểm hổ trợ của phẫu thuật nội soi là giúp đánh giá và điều trị các tổn thương đi kèm trong khớp, giúp đánh giá được mức độ nắn chỉnh ở mặt dưới của khớp cùng đòn so với phương pháp mổ mở truyền thống.
Hình: Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng quạ đòn cho bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn
CHƯƠNG TRÌNH TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU SAU MỔ TÁI TẠO DÂY CHẰNG QUẠ ĐÒN
Mang đai chóp xoay trong sáu tuần với chương trình tập như sau:
1-2 tuần sau mổ: tập thụ động dang 30, đưa trước 30, xoay trong 80, không xoay ngoài
3-4 tuần sau mổ: Tập chủ động có trợ giúp một phần: dang 45, đưa trước 45, xoay trong 80, không xoay ngoài
5-6 tuần sau mổ: tập chủ động dang 60, đưa trước 60, xoay trong tối đa, xoay ngoài tối đa
Sau 7 tuần: sinh hoạt nhẹ nhàng, bỏ đai
Có thể làm việc nặng hoặc chơi thể thao sau 6 tháng.
s